Ý nghĩa của đèn giao thông

Nhìn đèn giao thông nhấp nháy xanh đỏ ai chẳng biết phải đi hay dừng, phải không các bác?

[Đèn giao thông] Nhưng hiểu sâu xa ý nghĩa của tất cả các loại đèn tín hiệu này thì cũng là một vấn đề, mà không phải ai cũng thấu đáo.

Và tôi viết bài này để giải quyết vấn đề đó.

Chắc các bác đều biết rằng đèn tín hiệu giao thông là một trong ba loại tín hiệu phổ biến và được ưu tiên theo thứ tự sau:

Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông
Đèn tín hiệu giao thông
Biển báo giao thông, và vạch kẻ đường

Theo quy định, đèn tín hiệu được ưu tiên thứ 2. Theo đó, nếu không có mặt cảnh sát giao thông, thì chúng ta phải tuân theo đèn tín hiệu, kể cả lúc đó biển báo có chỉ dẫn khác.

Thông thường chúng ta hay thấy đèn tín hiệu giao thông xanh đỏ ở ngã tư hoặc các chỗ giao cắt. Nhưng ngoài loại đó ra, trong giao thông đường bộ còn có những loại đèn tín hiệu khác nữa.

Và chúng ta sẽ tìm hiểu về…

Các loại đèn giao thông

Đèn tín hiệu chính: gồm ba màu đỏ, vàng, xanh đặt theo thứ tự theo chiều thẳng đứng từ trên xuống dưới, hoặc theo chiều ngang từ trái qua phải.

Đèn tín hiệu chính thì quá phổ biến và cũng dễ hiểu, nhưng còn có các loại đèn phụ để bổ sung ý nghĩa cho đèn chính. Chúng ta thường không nhớ, hoặc bị rối bởi những đèn phụ này, nhất là khi màu đèn phụ ngược nghĩa với màu đèn chính. Vì thế, các bác cũng nên lưu ý tác dụng của đèn phụ nhé.

1. Đèn đếm lùi: gắn cạnh đèn chính, báo hiệu thời gian còn lại trước khi đèn chính chuyển màu. Đèn này rất hữu ích cho người đi đường, vì chúng ta biết được khi nào thì đèn chính chuyển màu mà chủ động tăng hay giảm tốc độ. Những chỗ không có đèn đếm lùi, tôi đi đường cứ thấy lo lo, vì nhỡ đèn vàng mà xe đến sát vạch chẳng kịp dừng, có thể lại bị thổi phạt “oan”.

2. Đèn cho người đi bộ sang đường: tín hiệu màu đỏ có hình người tư thế đứng hoặc chữ viết “Dừng lại”; tín hiệu màu xanh có hình người tư thế đi hoặc chữ viết “Đi”. Người đi bộ chỉ được phép đi qua đường khi tín hiệu đèn xanh bật sáng. Khi tín hiệu xanh nhấp nháy, tức là báo hiệu sắp chuyển sang tín hiệu đỏ: người đi bộ dừng lại, không qua đường.

3. Đèn phụ hình mũi tên màu xanh: các loại phương tiện giao thông chỉ được đi khi tín hiệu mũi tên bật sáng cho phép. Tín hiệu mũi tên cho phép rẽ trái thì đồng thời cho phép quay đầu

4. Đèn hộp gồm mũi tên màu xanh và gạch chéo màu đỏ, treo ở phía trên làn xe chạy. Tín hiệu xanh cho phép đi ở trên làn đường có mũi tên chỉ. Tín hiệu đỏ cấm đi ở trên làn đường có đèn đỏ;

5. Đèn cho phép rẽ phải: thường là đèn xanh đỏ có kích thước nhỏ, treo trên cùng cột đèn giao thông, phía dưới các đèn chính. Đèn này thể hiện cho phép người rẽ phải hay không.

 

6. Loại đèn hai màu xanh và đỏ không nhấp nháy: dùng để điều khiển giao thông ở những nơi giao nhau với đường sắt, bến phà, v.v... Đèn xanh cho phép các phương tiện giao thông được đi. Đèn đỏ cấm đi;

7. Loại đèn đỏ 2 bên thay nhau nhấp nháy: nơi giao nhau với đường sắt, khi bật sáng thì mọi phương tiện phải ngừng lại và chỉ được đi khi đèn tắt. Ngoài ra để gây chú ý, ngoài đèn đỏ nhấp nháy còn trang bị thêm chuông điện hoặc tiếng nói nhắc nhở có tàu hỏa.

Về màu đèn tín hiệu, trong điều 3 luật giao thông đường bộ quy định rõ:

Tín hiệu xanh là được đi;
Tín hiệu đỏ là cấm đi;
Tín hiệu vàng là báo hiệu sự thay đổi tín hiệu. Khi đèn vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng cần chú ý.

Về ý nghĩa đèn xanh đèn đỏ thì chắc ai cũng rõ, kể cả các cháu thiếu nhi. Nhưng nhiều người lại hiểu nhầm rằng màu vàng là vẫn được đi như màu xanh. Hiểu như vậy là sai với luật (mục c nêu trên). Khi đèn vàng mà xe chưa đi qua vạch thì phải dừng lại, nếu không sẽ phạm luật.